Đau dây thần kinh tọa (ĐTKT) có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng chiếm tỷ lệ cao hơn cả là người trên 60 tuổi và nam giới mắc bệnh nhiều hơn nữ giới.
Đau dây thần kinh tọa (ĐTKT) có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng chiếm tỷ lệ cao hơn cả là người trên 60 tuổi và nam giới mắc bệnh nhiều hơn nữ giới. ĐTKT nếu không được phát hiện, điều trị sớm và đúng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, thậm chí biến chứng nguy hiểm.
Vì sao người cao tuổi hay bị đau thần kinh tọa?
Bệnh nhân Lê Văn Cầm bị đau vùng thắt lưng trong nhiều năm, sau đó đau lan xuống mông, đến mặt ngoài đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, rồi lan xuống mặt trước mặt ngoài mắt cá chân, mu bàn chân và vắt ngang qua ngón cái. Ông không hiểu mình mắc bệnh gì, bởi vì, trước đây ông rất khỏe, thường mang vác nặng và ông đã đau vùng thắt lưng hơn chục năm nay, thậm chí không cúi xuống được. Qua thăm khám, chụp Xquang, chụp cắt lớp vi tính cột sống thắt lưng và chụp cả công hưởng từ xác định ông Cầm bị ĐTKT.
ĐTKT do nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân xuất phát từ cột sống thắt lưng chiếm tỷ lệ cao hơn cả mà chủ yếu là do thoái hóa cột sống thắt lưng và thoát vị đĩa đệm (lồi đĩa đệm) như trường hợp ông Cầm gặp phải. Thống kê cho thấy, 60 - 90% nguyên nhân thoát vị đĩa đệm gây nên ĐTKT. Đĩa đệm có nhiệm vụ như một bộ phận làm “giảm xóc” bảo vệ cho cơ thể khi có lực nén tác động vào cột sống, nếu tác động mạnh, đột ngột lên đĩa đệm thì có thể làm cho các vòng sợi bị rách và nhân nhày bị đẩy ra ngoài, hoặc chui vào ống sống hoặc chui vào vị trí thoát ra của rễ thần kinh thắt lưng số 5 và cùng 1 gây chèn ép rễ thần kinh và gây đau. Ở người đang độ tuổi lao động khi làm việc nặng, quá sức, sai tư thế rất có thể bị tổn thương đĩa đệm. Ở người cao tuổi, ĐTKT thường do thoái hóa đĩa đệm nên bệnh thường diễn tiến mạn tính và hay tái phát.
ĐTKT cũng có thể do có sự biến đổi bất thường ở đốt sống thắt lưng như đốt sống bị trượt ra trước hoặc ra sau, trượt đốt sống cũng hay gặp trên một người có thoái hóa đốt sống thắt lưng.
ĐTKT cũng có thể do u xương sống, nhiễm khuẩn (lao cột sống, viêm do tụ cầu...), viêm khớp cùng chậu, ung thư ở cơ quan khác di căn đến hoặc viêm đốt sống thắt lưng (làm thu hẹp ống sống thắt lưng, chèn ép rễ thần kinh), hoặc do viêm cột sống dính khớp. Ngoài ra, ĐTKT có thể có liên quan đến chấn thương trực tiếp vào dây thần kinh tọa (bị gãy xương chậu hoặc do tiêm trực tiếp vào thần kinh tọa) hoặc do ảnh hưởng của một loại thuốc dầu được tiêm mông rồi thuốc khuếch tán đến thần kinh tọa.
Biến chứng do đau thần kinh tọa
Khi bị ĐTKT, nếu không được chữa trị nghiêm túc sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày và sức lao động, lâu dần sẽ bị teo cơ dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, đại tiểu tiện không tự chủ và có thể gây tàn phế (liệt). Nếu phát hiện và điều trị sớm khi chưa bị biến chứng thì bệnh sẽ bình phục hoàn toàn.
Đau thần kinh tọa cần được phòng ngừa ngay từ tuổi trẻ
Để tránh mắc bệnh, ngay ở độ tuổi 30, mọi người nên có sự theo dõi mật độ xương định kỳ để nhằm phát hiện sớm hiện tượng loãng xương gây thoái hóa khớp, đặc biệt là những người lao động chân tay cũng như những trường hợp có công việc đặc thù (phải ngồi lâu nhiều giờ trong một ngày và kéo dài nhiều tháng, nhiều năm). Những người phải thường xuyên mang vác nặng cần thao tác đúng tư thế tránh để xảy ra hiện tượng chấn thương lồi đĩa đệm hoặc trật, trượt khớp đốt sống. Khi biết mình bị thoái hóa cột sống, nhất là đốt sống thắt lưng cần điều trị tích cực đúng theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa khớp.
Hàng ngày nên tập thể dục đều đặn để khí huyết lưu thông thuận lợi cho việc nuôi dưỡng các cơ quan và các khớp xương. Cần có các động tác tập các khớp xương thích hợp, nhẹ nhàng, uyển chuyển (các động tác tập thể dục buổi sáng). Ngày nay, nhờ sự tiến bộ của ngành khoa học y học mà việc chẩn đoán ĐTKT có nhiều thuận lợi hơn như chụp bao rễ thần kinh, chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Người bị ĐTKT khi được chẩn đoán sớm nên điều trị tích cực để tránh bệnh trở thành mạn tính. Ngoài ra, cần ăn uống đủ chất (đặc biệt tăng cường thực phẩm giàu canxi như sữa, các chế phẩm từ sữa và tôm cá...); bổ sung lượng canxi cần thiết khi có chỉ định của bác sĩ khám bệnh cho mình.
BS.Đặng Phương Linh